Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Hiểu thêm về thế giới ngầm của xe cọp

Xe cọp hai từ này có lẽ quá quen thuộc với một biker, ai cũng có thể hiểu được sức mạnh của chiếc xe đó như thế nào, việc độ lại chiếc xe để có được sức mạnh khủng khiếp nhằm đạt đến vận tốc như thế đòi hỏi chủ xe phải bỏ ra số tiền với giá trị hơn cả chiếc xe nguyên bản và được sử dụng trong các cuộc đua cá độ đầy nguy hiểm.

Ở TP.HCM và các địa phương trong vùng, "xe cọp” - xe máy nâng cấp để đạt tới vận tốc kinh hoàng - đang xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành tâm điểm của các cuộc đua cá độ nguy hiểm.

Hiểu thêm về thế giới ngầm của xe cọp - 55067
Các “nài” chuẩn bị so kè tốc độ trên quốc lộ 51 - Ảnh: Ng.Khải

Tối 25-6 tại quán cà phê trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn, TP.HCM), “nài” Khang cho hay đang cầm tài một chiếc xe Exciter độ, dùng để chạy đua ăn tiền. Khang khoe: “Xe đó làm một trăm mấy chục triệu đồng, được ráp nhiều đồ chơi xịn và có tới ba cục máy với ba “trái” (piston) có kích thước khác nhau”. Mở một clip trên điện thoại, Khang cho biết clip này ghi lại việc chạy thử xe trên quốc lộ 22 (giáp Q.12 và huyện Hóc Môn). “Test rồi mới chạy độ, kèo thường là 5-10 triệu đồng, đường đua dài 1,2km chạy chỉ mất 22-23 giây” - Khang nói.

Từ lò độ xe...

Tùy vào từng loại xe “cọp”, mỗi lò ra giá độ xe từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Một lò mới nổi được các tay máu mê tốc độ biết đến là lò Po (ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh). Ngày 25-4, một thanh niên ở Q.12 gặp Khương “Nicolai”, thợ tại lò Po, để hỏi việc lên đời cho xe “cọp”.

Sau khi giới thiệu nhiều phụ tùng độ nhằm nâng cấp tốc độ cho xe, Khương ngồi lên một chiếc Exciter độ có sẵn trong lò, nổ máy thử một vòng trên đường nhựa phía trước. Khương giải thích: “Kilômet chỉ “lừa tình” thôi, quan trọng chạy ông nghe cảm giác nó nhanh hay chậm”. Rồi Khương nói thẳng: “Mình làm từ A đến Z, con xe là 30 triệu đồng, bình xăng này nọ mình căn chỉnh tuyệt vời”.

Khương khoe từng cầm tài một chiếc Wave lực rất mạnh. Xe này tham gia nhiều kèo đua có giá từ 5-10 triệu đồng. Khương cho hay mỗi dịp lễ lớn như 30-4 hoặc 2-9 hằng năm rất đông "xe cọp" khắp nơi đổ về Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) để so kè tốc độ cũng như phô trương thanh thế của lò. Khương khẳng định lò Po luôn có sẵn nài có máu liều, có thể cho thuê nài hoặc nhận huấn luyện nài. Khương tư vấn: “Nài xe kiếm thằng nào lanh lanh mà nó gan. Luyện cho nó một tuần là biết chạy à”.

Tùy vào tay nghề, danh tiếng cũng như chất lượng phụ tùng mà các lò độ xe ra giá cả khác nhau. Tại khu vực cổng chào TP Bà Rịa có “lò” độ xe của ông Khoa được giới thanh niên chơi xe độ nhiều tỉnh thành biết đến. Bởi ở đây đã cho ra lò những chiếc "xe cọp” có tốc độ lớn, cũng là nơi tới lui thường xuyên của những thanh thiếu niên có điều kiện khá giả để làm xe. Khi một thanh niên muốn làm một chiếc Exciter “trái” 83mm để đưa về miền Trung đua xe ăn tiền thì chủ lò nói giá bao từ A-Z khoảng 45-46 triệu đồng.

Còn ông Thanh, chủ lò ở quốc lộ 51, cho biết ông chủ yếu độ xe Dream, Wave và Exciter. Ông này ra giá làm xe Exciter “trái” 85mm chạy đua ăn tiền giá không quá 35 triệu đồng (chưa kể xác xe). Trong đó, bình xăng độ có giá 7 triệu đồng. Dù là chủ lò độ xe nhưng ông không dám thử xe. “Chạy ghê lắm, mình làm xe nhưng không bao giờ ra chạy, chỉ căn máy căn xăng lửa cho mấy thằng lính nó thử” - ông Thanh nói.

Đến các cung đường nóng...

Theo Khương, để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, những chiếc xe độ sẽ được vận chuyển đến địa điểm đua bằng ôtô. Chủ lò cùng các thanh niên trong nhóm nài làm nhiệm vụ cảnh giới, nếu an toàn thì các xe “cọp” mới lộ diện.

2g sáng một ngày đầu tháng 5-2014, gần chục "xe cọp” đủ loại từ động cơ hai thì đến bốn thì phát ra tiếng nổ chát chúa lao vun vút với tốc độ kinh hoàng từ TP.HCM hướng về quốc lộ 51 và tụ lại gần đoạn rẽ vào Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Chiếc xe “cọp” của lò Khương cũng xuất hiện với tốc độ không kém cạnh các xe có “trái” lớn khác.

Trên quốc lộ 51, ước tính có hàng ngàn thanh niên nam nữ có mặt để xem và cổ vũ những cuộc đua xe. Khoảng 3g25, cuộc đua càng nóng hơn khi đoàn xe “cọp” tụ tập về ngày càng đông trên quốc lộ 51. Những tay “nài” từ khắp nơi đổ về, tuổi chỉ khoảng 16-24, phần lớn không đội mũ bảo hiểm lần lượt dàn hàng ngang so kè tốc độ. Nhiều xe du lịch, xe tải... bất lực dừng lại bởi con đường bị vây kín bởi hàng trăm thanh niên đứng xem cổ vũ. Cuộc đua diễn ra đến gần 5g30 thì kết thúc tại cổng chào TP Bà Rịa.

Ở TP Bà Rịa, chúng tôi gặp Bi - một tay “nài” - cho biết đang có chiếc xe có “trái” 85mm trong tình trạng rất tốt, xe này có thể căn chỉnh lại để đi “bão”, chạy đua. Nếu mua xe thì sẽ có “nài” chịu chạy mướn, phải chi trả 10-20% tùy vào thỏa thuận. Người thanh niên đi cùng Bi gạ kèo: “Có “trái” 62mm chạy tự do, phải trên 100 (triệu đồng) mới chạy (tức đua cá độ), anh có kèo nào không?”. Sau đó, thanh niên này lái xe hơi chở Bi lên đường Mạc Thanh Đạm (gần chợ Long Điền, huyện Long Điền) để xem xe. Chủ xe là Thắng, chiếc xe được thay đổi kết cấu trông rất hầm hố, không gắn biển số và gắn nhiều phụ tùng xịn. Thắng cho hay xe đang cầm, do kẹt tiền nên bán giá chỉ 65 triệu đồng.

Bảo, một tay “nài” ở Q.12, nói vừa có chiếc xe tay ga hiệu Mio “trái” lớn mới bán, muốn mua Exciter “trái” lớn thì phải đợi qua giải đua xe 400m ở Bình Dương. Bảo cho biết Exciter được căn chỉnh rất ngon, được thay “trái” piston 62mmdên đôn. Bảo nói thẳng: “Xe này dùng để chạy ăn tiền, chứ không phải chạy chơi dợt thử”. Theo Bảo, giá trị của mỗi chiếc “cọp” này có giá 70-80 triệu đồng.

Có thể xử lý chủ lò độ
Thiếu tá Trần Hồng Minh, phó Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, cho biết thời gian qua PC67 đã thực hiện nhiều kế hoạch, trong đó có việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục và vận động thanh thiếu niên tại các quận huyện trên địa bàn TP không tham gia đua xe, chạy xe gây mất an ninh trật tự trên đường phố.

Theo thiếu tá Minh, PC67 luôn quan tâm điều nghiên, nắm thông tin tại các lò sửa xe, nếu có hành vi độ xe cho dân đua xe thì sẽ cử lực lượng của phòng đến nhắc nhở, răn đe chủ các lò sửa xe không vi phạm. “Dân đua xe thường đến các lò độ xe để làm thay đổi kết cấu máy, gia cố khung sườn... Đối với những trường hợp này, khi phát hiện chúng tôi có thể xử lý về hành vi làm thay đổi kết cấu ban đầu của xe” - thiếu tá Minh cho biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét